Thông tin về tỉnh Bình Phước

Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 huyện biên giới (Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh) tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia (Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum), với tổng chiều dài đường biên giới là 258,939km, với 28 cột mốc chính, 353 cột mốc phụ. Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu (Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cửa khẩu chính Hoàng Diệu, Lộc Thịnh, Cửa khẩu phụ Tân Tiến) và 1 lối mở. Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nên Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc sinh sống. Tính đến hết năm 2022, dân số của tỉnh ước 1.034.667 người (theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước), phân bố trên 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 01 thành phố (Đồng Xoài), 03 thị xã (Phước Long, Bình Long, Chơn Thành), 07 huyện (Đồng Phú, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản, Phú Riềng), với 111 xã, phường, thị trấn.

So với các vùng khác trên cả nước, Bình Phước được xem là một vùng đất trẻ, gắn với nhiều dấu mốc lịch sử chói lọi cùng với các địa danh không thể nào quên như: Phú Riềng Đỏ, Căn cứ Tà Thiết, sóc Bom Bo, Địa điểm Chiến thắng Đồng Xoài, Tượng đài chiến thắng Phước Long, Bồn xăng kho nhiên liệu VK96, VK98 (thuộc Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh), Điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh – 1973, Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô…

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975), Bình Phước bước vào thời kỳ mới khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua nhiều lần tách, nhập về hành chính, đến ngày 01/01/1997, tỉnh Bình Phước được tái lập và đi vào hoạt động ổn định.

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí cách không xa Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đồng thời lại có cửa khẩu thông thương với Campuchia, Bình Phước có rất nhiều cơ hội để phát triển. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước tăng 9,1%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra 7 – 7,5%). Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,66%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 16,24% (riêng công nghiệp tăng 18,7%), dịch vụ tăng 8,73%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,06%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 5%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 85,1 triệu đồng (tương đương 3.550 USD), tăng 11,6% so với năm 2021. Ước thu ngân sách năm 2022 của tỉnh là 14.535 tỷ đồng, bằng 119% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 102% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua và tăng 6% so với năm 2021 (theo báo cáo của UBND tỉnh).

Đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, cà phê, hồ tiêu… đã tạo nên tiềm năng to lớn trong phát triển kinh tế của Bình Phước. Tính đến ngày 25/11/2022, toàn tỉnh hiện có 441.364 ha cây lâu năm, cây hàng năm và khoảng 75% người dân Bình Phước làm nông nghiệp; cây ăn trái hiện có 12.062 ha; cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh gồm có cây điều (151.135 ha), tiêu (14.941 ha), cao su (244.698 ha), cà phê (14.588 ha), với tổng diện tích hiện có 425.362 ha. Bình Phước hiện có 170.855 ha đất lâm nghiệp, chiếm 27,72% đất sản xuất nông nghiệp. Số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ước tháng 11/2022 gồm có: Đàn trâu 12.720 con, đàn bò 39.170 con, đàn heo 1.711.590 con, đàn gia cầm 13.817 ngàn con (theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước).

Tính đến ngày 15/11/2022, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 10.672 doanh nghiệp (đã trừ doanh nghiệp giải thể), với số vốn đăng ký 186.294.499 triệu đồng; lũy kế đến hết năm 2022 có 299 hợp tác xã. Về thu hút đầu tư trong nước, năm 2022 ước đạt 45 dự án với số vốn đăng ký 10.800 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Lũy kế đến hết năm 2022 có 1.220 dự án với số vốn 116.908 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 37 dự án, với số vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 150 triệu USD, đạt 37,5% kế hoạch; lũy kế đến hết năm 2022 có 370 dự án với số vốn 3 tỷ 465,7 triệu USD (theo báo cáo của UBND tỉnh).

Lực lượng lao động của tỉnh ước năm 2022 là 604.976 người, tăng 0,26% (khoảng 1.598 người so với năm 2021), trong đó nữ là 281.320 người, khu vực thành thị 151.214 người. Cơ cấu lao động có việc làm năm 2022 có sự chuyển dịch rõ theo hướng chuyển dần lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tăng 1,00%, chiếm 97,99% trong lực lượng lao động, tương ứng tăng khoảng 5.875 lao động so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế Nhà nước tăng 0,96%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 1,00%; khu vực đầu tư nước ngoài tăng 1,05% (theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Phước).

Về xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 03/11 huyện thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 02/11 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98,8%. Đến tháng 11/2022, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.145.201 thuê bao điện thoại, trong đó cố định 9.501 thuê bao, di động 1.135.700 thuê bao; số thuê bao điện thoại đạt 112/100 dân, thuê bao internet đạt 93/100 dân; truyền hình cáp có 89.007 thuê bao (theo báo cáo của UBND tỉnh).

Về hoạt động chuyển đổi số, được tỉnh đẩy mạnh toàn diện với kết quả DTI năm 2021 (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) của tỉnh xếp hạng 9/63 tỉnh, thành phố cả nước (được công bố tháng 8/2022). Chính quyền số được phát triển với việc hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng ký số, sử dụng văn bản điện tử, họp không giấy, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến… Tỉnh đã thành lập 111 tổ công nghệ cộng đồng cấp xã với 1.080 thành viên, 845 tổ công nghệ cộng đồng ấp với 5.426 thành viên; hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai tại các lĩnh vực xây dựng, giáo dục, y tế, đang tiếp tục mở rộng đến tất cả các lĩnh vực khác (theo báo cáo của UBND tỉnh).

Diện tích tối thiểu tách thửa đất tại Bình Phước hiện nay là bao nhiêu?

Hình minh họa.

Điều kiện chung để tách thửa đất ở Bình Phước

Theo Điều 4 Quyết định 27/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Phước quy định về điều kiện chung để tách thửa các loại đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước như sau:.

– Thửa đất cần tách thửa đã được cấp một trong những giấy tờ sau:.

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;.

+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;.

+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).

– Thửa đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

– Thửa đất không thuộc khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa, thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, phê duyệt theo quy định pháp luật.

– Thửa đất chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa có thông báo thu hồi đất.

– Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận cho thửa đất mới.

– Đối với các dự án thu hồi đất để làm đường giao thông do Nhà nước làm chủ đầu tư, thửa đất sau khi có quyết định thu hồi đất để làm đường và đã chỉnh lý trên Giấy chứng nhận thì được phép tách thửa đất.

Diện tích tách thửa ở Bình Phước đối với đất nông nghiệp

Điều kiện cụ thể được tách thửa đất nông nghiệp quy định tại Điều 5.

1. Diện tích tối thiểu bao gồm phần diện tích đất hạn chế quyền sử dụng của thửa đất được hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại được quy định như sau:.

A) Đất nông nghiệp tại các phường, thị trấn là 500 m2;.

B) Đất nông nghiệp tại xã là 1.000 m2.

2. Đối với thửa đất nông nghiệp thuộc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp: Việc tách thửa đất phải đảm bảo diện tích tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này và kích thước tối thiểu chiều rộng của thửa đất nông nghiệp phải bằng hoặc lớn hơn kích thước tối thiểu chiều rộng của thửa đất ở được quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy định này.

3. Đối với thửa đất nông nghiệp thuộc quy hoạch sử dụng đất ở, đất phi nông nghiệp không phải đất ở, việc tách thửa đất được thực hiện như sau:.

A) Phải đảm bảo diện tích tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này và kích thước tối thiểu chiều rộng, chiều sâu của thửa đất nông nghiệp phải bằng hoặc lớn hơn kích thước tối thiểu chiều rộng, chiều sâu của thửa đất ở được quy định tại khoản 2 Điều 6 Quy định này;.

B) Thửa đất hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại khi tách thửa đất phải đảm bảo tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Diện tích tối thiểu và kích thước thửa đất ở sau khi tách thửa quy định như sau:.

Khu vực

Diện tích

Kích thước (chiều rộng, chiều sâu)

Tại phường, thị trấn

Tuyến đường có lộ giới lớn hơn hoặc bằng 19 m

45 m2

5m

Tuyến đường có lộ giới nhỏ hơn 19 m

36 m2

4m

Tại xã

Thuộc thị xã, thành phố

50 m2

5m

Thuộc huyện

100 m2

5m

Trường hợp tuyến đường giao thông chưa quy định chỉ giới xây dựng thì chiều sâu thửa đất tính từ hành lang bảo vệ đường bộ.

Thửa đất hình thành từ việc tách thửa và thửa đất còn lại khi tách thửa đất phải tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận và không thuộc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trừ trường hợp thửa đất hình thành từ các khu tái định cư, nếu phù hợp điều kiện tách thửa đất theo Quy định này thì được phép tách thửa.

Hạn mức đất ở khi Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất tại Bình Phước

Tại Điều 3 của của Quyết định 27/2020/QĐ-UBND quy định hạn mức đất ở khi Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất. Cụ thể:.

– Tại các thị trấn, phường: Hạn mức đất ở khi Nhà nước, công nhận quyền sử dụng đất, giao đất không quá 300 m2.

– Tại các xã: Hạn mức đất ở khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, giao đất không quá 400 m2.

– Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì hạn mức đất ở được thực hiện theo dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

By admin