Định nghĩa về Nhà chung cư

Nhà chung cư là nhà trong đó có nhiều căn hộ riêng biệt, độc lập với nhau nhưng có những phần diện tích hoặc trang thiết bị sử dụng chung.

Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014:

“Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2016/TT-BXD: Tòa nhà chung cư là một khối nhà (block) độc lập hoặc một số khối nhà có chung khối đế nổi trên mặt đất được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 28/2016/TT-BXD: Cụm nhà chung cư là tập hợp từ 02 tòa nhà chung cư trở lên được xây dựng theo quy hoạch và hồ sơ dự án do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu của chủ nhà hoặc là sở hữu chung của tất cả các chủ sở hữu những căn hộ độc lập trong nhà chung cư đó. Phần diện tích chung này là phần sở hữu không thể phân chia.

Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc sử dụng phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư.

Phân biệt nhà chung cư, tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư

Điểm chung

(i) Đều có phần sở hữu chung và phần sở hữu riêng. Trong đó, Phần sở hữu chung của nhà chung cư là phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và các thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư đó. Phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư là phần diện tích, các hệ thống thiết bị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuộc sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu tòa nhà chung cư. Phần sở hữu chung của cụm nhà chung cư là phần diện tích, các công trình, hệ thống thiết bị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu cụm nhà chung cư, bao gồm bể nước, máy phát điện, bể phốt, máy bơm nước, sân vườn công cộng (nếu có) và các công trình, thiết bị khác được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế được phê duyệt để sử dụng chung cho nhiều tòa nhà nhập vào cụm nhà chung cư.

Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư, tòa nhà chung cư và cụm nhà chung cư bao gồm: a) Phần diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó; b) Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư; c) Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng.

Điểm khác nhau

Về mô hình: nhà chung cư là một nhà (từ 02 tầng trở lên); tòa nhà chung cư là một khối nhà còn cụm nhà chung cư là tập hợp của 02 hay nhiều khối nhà.

Về thủ tục: xây nhà chung cư thì phải cấp giấy phép xây dựng, xây tòa nhà chung cư và cụm nhà chung cư phải có quy hoạch và hồ sơ dự án.

Phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư

(1) Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm:

– Phần diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó.

– Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư.

– Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng.

(2) Phần sở hữu chung của nhà chung cư bao gồm:

– Phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng quy định tại (1); nhà sinh hoạt cộng đồng của nhà chung cư.

– Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư.

Bao gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, cấp nước, cấp ga, hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hỏa và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư.

– Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó, trừ hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt.

– Các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt bao gồm sân chung, vườn hoa, công viên và các công trình khác được xác định trong nội dung của dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt.

Chỗ để xe và việc xác định diện tích sử dụng căn hộ, diện tích khác trong nhà chung cư

– Chỗ để xe phục vụ cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư bao gồm xe ô tô, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh, xe đạp và xe cho người khuyết tật thì chủ đầu tư phải xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, thiết kế được phê duyệt và phải được sử dụng đúng mục đích.

Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với chỗ để xe được quy định như sau:

+ Đối với chỗ để xe đạp, xe dùng cho người khuyết tật, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư thì thuộc quyền sở hữu chung, sử dụng chung của các chủ sở hữu nhà chung cư;

+ Đối với chỗ để xe ô tô dành cho các chủ sở hữu nhà chung cư thì người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư quyết định mua hoặc thuê; trường hợp không mua hoặc không thuê thì chỗ để xe ô tô này thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư và chủ đầu tư không được tính vào giá bán, giá thuê mua chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này.

Việc bố trí chỗ để xe ô tô của khu nhà chung cư phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên cho các chủ sở hữu nhà chung cư trước sau đó mới dành chỗ để xe công cộng.

– Diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư được tính theo kích thước thông thủy bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ, diện tích ban công, lô gia (nếu có) và không tính diện tích tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.

Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn; trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung.

Ban quản trị chung cư

Ban quản trị chung cư được chủ sở hữu và những người sống tại đây bầu ra. Họ có trách nhiệm thực hiện các công việc được phân công trong hội nghị thành lập. Đó là các công việc về quản lý và sử dụng nhà chung cư.

Đối với nhà chung cư, Thông tư 02/2016/TT-BXD có quy định một số những vấn đề như sau:

Các nguyên tắc về quản lý và sử dụng nhà chung cư.
Quản lý phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu.
Quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu.
Quản lý về bãi để xe của nhà chung cư
Quy định về nội quy quản lý nhà chung cư
Quản lý việc vận hành nhà chung cư, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, hợp đồng quản lý và giá quản lý dịch vụ nhà chung cư.
Quản lý nhà các loại phí bảo trì nhà chung cư.
Tổ chức các hội nghị về nhà chung cư để ban hành, phổ biến, cập nhật tình hình về nhà chung cư.
Quy định về thành viên của các ban quản trị nhà chung cư
Các quy chế về thu – chi tài chính của ban quản trị nhà chung cư
Quản lý việc bảo trì nhà chung cư gồm các nguyên tắc, kế hoạch cùng các hạng mục bảo trì nhà chung cư, ký kết hợp đồng bảo trì và thực hiện bảo trì đối với các phần chung của chung cư. Các quy định về kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Nguyên tắc quản lý và sử dụng nhà chung cư

“1. Nhà chung cư phải được sử dụng đúng công năng, mục đích thiết kế và nội dung dự án được phê duyệt.

Việc quản lý, sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ nội quy quản lý, sử dụng của từng nhà chung cư, quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế này và pháp luật có liên quan.
Việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở. Việc sử dụng kinh phí quản lý vận hành, kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư phải bảo đảm đúng mục đích, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; việc đóng góp các khoản phí, lệ phí trong quá trình sử dụng nhà chung cư phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì, kinh phí quản lý vận hành, kinh phí hoạt động của Ban quản trị nhà chung cư và các khoản phí, lệ phí khác trong quá trình sử dụng nhà chung cư theo quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan; phải chấp hành nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, quy định của pháp luật về nhà ở, Quy chế này và pháp luật có liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Ban quản trị nhà chung cư thay mặt cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng để thực hiện các quyền và trách nhiệm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở và Quy chế này; trường hợp nhà chung cư không bắt buộc phải thành lập Ban quản trị theo quy định của Luật Nhà ở thì các chủ sở hữu, người đang sử dụng tự thỏa thuận phương án quản lý nhà chung cư.
Các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được giải quyết theo quy định của Luật Nhà ở, Quy chế này và pháp luật có liên quan.
Mọi hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.”

Những điều cần biết trước khi mua chung cư

Những điều cần quan tâm khi mua chung cư.

Mặt lợi

Các dự án chung cư thường đi kèm với nhiều tiện ích khác nhau như hồ bơi, phòng tập thể dục, sân chơi bóng rổ, tennis và các tính năng an ninh, mang đến một phong cách sống sang trọng và tiện lợi.

Trách nhiệm bảo trì và sửa chữa không gian sống chung cũng như các tiện ích trong khuôn viên chung cư thuộc về chủ đầu tư và các đơn vị vận hành, làm cho căn hộ chung cư trở thành lựa chọn lý tưởng với những người không muốn dành nhiều thời gian cho các hoạt động bào trì, sửa chữa.

Căn hộ chung cư là tập hợp của rất nhiều đơn vị phòng riêng lẻ, qua đó tạo thành một cộng đồng xã hội giống như hàng xóm, biến chung cư trở thành lựa chọn tuyệt vời với những người thích tương tác xã hội.

Mặt hại

Khi sống tại các dự án chung cư, chủ sở hữu căn hộ buộc phải trả phí bảo trì hàng tháng cho chủ đầu tư hoặc các đơn vị vận hành, cũng như nhiều khoản phí khác. Các khoản phí này có thể tăng theo thời gian và ảnh hưởng đến ngân sách.

Với những người ưa chuộng lối sống riêng tư, lựa chọn chung cư dường như không phải điều lý tưởng, bởi nơi đây mỗi ngôi nhà thường được xây sát nhau, và do đó không gian riêng tư cũng không nhiều như nhà mặt đất.

Những điều cần biết về chung cư

Nắm rõ quyền lợi của bản thân

Hiểu rõ quyền lợi của bản thân là điều rất quan trọng khi mua chung cư. Là chủ sở hữu căn hộ, bạn sở hữu căn hộ của mình, nhưng chia sẻ quyền sở hữu và trách nhiệm đối với các khu vực và tiện ích chung.

Chủ đầu tư và đơn vị vận hành

Chủ đầu tư và đơn vị vận hành đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý chung cư. Họ là những người giám sát việc bảo trì, sửa chữa và cải tiến các không gian sống chung, đồng thời thực thi các quy tắc và quy định chi phối toàn bộ dự á nchung cư.

Trước khi mua chung cư, bạn nên xem xét tình hình tài chính, các quy định cũng như những dự án mà chủ đầu tư và đơn vị vận hành đó đã từng thực hiện trong quá khứ.

Các khoản phí hàng tháng

Như đã đề cập, mỗi dự án chung cư lại yêu cầu các khoản phí hàng tháng khác nhau. Chúng bao gồm phí sửa chữa, bảo dưỡng; phí trong bãi đỗ xe;… Mức phí này thường sẽ được cố gắng giữ ở một mức cố định trong thời gian dài, song không loại trừ việc các khoản phí sẽ tăng lên theo thời gian. Do đó, bạn cần tính đến những trường hợp này để tránh phát sinh chi phí quá lớn, ảnh hưởng tới ngân sách của bản thân.

Tiện nghi và phong cách sống

Các dự án chung cư thường có hồ bơi, trung tâm thể dục, các câu lạc bộ,… Việc đánh giá các tiện ích này xem có phù hợp với phong cách sống của bản thân hay không cũng là điều nên làm trước khi mua chung cư, bởi nếu nhu cầu của bạn không quá cao, việc mua chung cư có quá nhiều tiện ích là điều không thực sự cần thiết bởi những dự án chung cư có nhiều tiện ích thường có giá cao hơn.

By admin