Trong giai đoạn 2010-2020, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trên thế giới, đạt mức bình quân 6,1%/năm. Mặc dù thu nhập của các nhóm dân cư đều tăng lên, nhưng tốc độ tăng thu nhập của nhóm nghèo luôn thấp hơn so với nhóm giàu, do vậy, khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm trong xã hội đang ngày càng tăng lên. Bất bình đẳng thu nhập hay chênh lệch giàu nghèo và thu nhập của người lao động không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người dân, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của quốc gia.
Thực trang phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam
Trong những năm gần đây, chênh lệch thu nhập giữa các vùng cũng đang có sự gia tăng nhất định. Chênh lệch thu nhập nói chung, đặc biệt là giữa các vùng miền, đã tạo ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước. Qua phân tích số liệu thống kê theo thời gian, dễ dàng thấy tốc độ đô thị hoá tại các khu vực cũng có mối quan hệ nhất định với thu nhập bình quân của người lao động tại các vùng này. Như đã phân tích, đô thị hoá đi kèm với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KHCN), công nghiệp hoá, tạo ra nhiều việc làm mới với năng suất và thu nhập cao hơn, do đó tất yếu sẽ kéo theo gia tăng thu nhập cho người dân.
Trong giai đoạn 2009-2019, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng có tốc độ đô thị hoá bình quân theo giai đoạn cao nhất cả nước (lần lượt là 3,92% và 3,77%); 2 vùng này cũng đồng thời có mức thu nhập cao nhất trong năm 2019, khi thu nhập bình quân đầu người tại Đông Nam Bộ là 6280 nghìn đồng/người/tháng, và thu nhập bình quân đầu người tại Đồng bằng sông Hồng là 5005 nghìn đồng/người/tháng. Khi xem xét giai đoạn 2009-2020, 2 vùng này vẫn là những vùng có tốc độ đô thị hoá cao nhất, với 5,26% tại vùng Đông Nam Bộ, và 4,83% tại Đồng bằng sông Hồng. Mặc dù năm 2020, kinh tế cả nước chịu tác động không nhỏ từ dịch bệnh Covid-19, đây cũng là lý do khiến nhiều xu hướng kinh tế-xã hội có những biến động bất thường (như đã đề cập trong những phân tích trên), thu nhập bình quân đầu người tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng có giảm nhẹ so với năm 2019, song vẫn giữ vị trí cao thứ nhất và thứ hai trong số các vùng trong cả nước.
Giữa các vùng, thu nhập bình quân đầu người của Đông Nam Bộ là cao nhất cả nước, năm 2019, mức thu nhập bình quân của Đông Nam Bộ cao gấp hơn 2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du và miền núi phía Bắc. Dù đã có sự phân bổ vốn ưu tiên cho những tỉnh miền núi phía Bắc để thúc đẩy phát triển đồng đều hơn, tốc độ phát triển giữa các khu vực vẫn có sự chênh lệch đáng kể, các tỉnh có thu nhập bình quân đầu người còn thấp đều thuộc vùng miền núi Tây Bắc như như Điện Biên (1,737 triệu đồng/người/tháng), Sơn La (1,745 triệu đồng/người/tháng), Hà Giang (1,835 triệu đồng/người/tháng), thấp hơn 2,3 lần so với bình quân đầu người trên cả nước. Sự chênh lệch cũng thể hiện rõ hơn khi so sánh với các tỉnh có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước như Hà Nội (5,981 triệu đồng/người/tháng), Bắc Ninh (5,439 triệu đồng/người/tháng), Đà Nẵng (5,284 triệu đồng/người/tháng), Bình Dương (7,019 triệu đồng/người/tháng), Đồng Nai (5,621 triệu đồng/người/tháng), thành phố Hồ Chí Minh (6,537 triệu đồng/người/tháng), cao hơn từ 1,4-1,7 lần so với bình quân cả nước.
Sự chênh lệch về tốc độ đô thị hoá cũng như chênh lệch thu nhập giữa các vùng miền bắt nguồn từ hiện trạng phát triển không đều giữa các vùng do điều kiện địa lý, phương thức sản xuất, văn hóa, phong tục tập quán, lối sống khác nhau. Vùng có điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi sẽ có cơ hội phát triển nhanh, năng suất lao động cao, thu hút các nguồn vốn đầu tư; theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh sẽ dẫn đến kết quả thu nhập của dân cư cao hơn so với những vùng khó khăn, kém phát triển hơn. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giữa các vùng là không giống nhau nên sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng càng lớn, các vùng chậm phát triển có nguy cơ tụt hậu. Hơn nữa, mức độ đô thị hóa của các vùng cũng rất khác nhau; vùng có tỷ lệ dân cư thành thị cao thường tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất, tăng năng suất lao động, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh hơn, sự chênh lệch giữa các vùng cũng bị kéo xa hơn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự chệnh lệch giàu- nghèo giữa các vùng – miền
Về điều kiện tự nhiên
Điều kiện tự nhiên cũng là một trong những nhân tố quan trọng tạo ra sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế cũng như bất bình đẳng thu nhập giữa các vùng. Các vùng có trình độ phát triển kinh tế thấp như trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thường có địa hình hiểm trở, gây khó khăn cho việc đi lại nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Do địa hình phức tạp, bị chia cắt manh mún tạo nên những tiểu vùng khí hậu khắc nghiệt thường gây ra lũ, sạt lở núi về mùa mưa, hạn hán và thiếu nước về mùa khô làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ lại có vị trí và địa hình thuận lợi để phát triển. Với một địa hình đa dạng và phong phú như đồng bằng, biển,… các vùng này có đầy đủ cơ sở để phát triển một hệ thống đường bộ, đường sắt,… Thêm vào đó, điều kiện tự nhiên cho phép phát triển nền nông nghiệp thâm canh cao, có khả năng đảm bảo an ninh lương thực, có nhiều loại nông đặc sản có giá trị kinh tế cao. Tài nguyên du lịch lớn do có nhiều cảnh quan đẹp.
Về phân bố dân cư
Những vùng có mật độ dân cư thưa thớt, quy mô dân số nhỏ có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn so với những vùng có mật độ dân cư cao, quy mô dân số đông. Ở Việt Nam, dân cư không phân bố đồng đều, tập trung nhiều ở các vùng đồng bằng và duyên hải, vùng đồng bằng sông Hồng là vùng có đông dân cư nhất và thấp nhất là ở vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, những vùng này lại thường tập trung nhóm dân tộc thiểu số. Sự chênh lệch về tỷ lệ tăng trưởng giữa nhóm dân tộc thiểu số và nhóm đa số đã góp phần đặc biệt làm tăng bất bình đẳng ở khu vực nông thôn. Do người dân tộc thiểu số có trình độ học vấn thấp hơn và bị hạn chế hơn về khả năng tiếp cận nguồn vốn sản xuất nên những chênh lệch về các loại tài sản khác này cũng góp phần gây nên và củng cố thêm những chênh lệch về thu nhập giữa các dân tộc.
Về trình độ người lao động gồm trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Mặc dù trình độ học vấn của người lao động đã được cải thiện đáng kể, nhưng lại có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng. Tỷ trọng những người chưa từng đi học trong lực lượng lao động cao nhất ở vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, tiếp đến là Tây Nguyên. Đây cũng là những vùng có tỷ trọng lao động tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên thấp nhất. Hai vùng có mức độ phát triển cao nhất về kinh tế – xã hội là Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng cũng là nơi thu hút mạnh số người có học vấn cao và tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên cũng đạt mức cao nhất. Về trình độ chuyên môn kỹ thuật: tỷ trọng lực lượng đã qua đào tạo ở nước ta vẫn còn thấp, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thật cao nhất là ở đồng bằng sông Hồng và thấp nhất là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên cũng khác nhau đáng kể giữa các vùng. Vùng có tỷ trọng này cao nhất là Đông Nam Bộ, tiếp đến là đồng bằng sông Hồng.
Về sự khác biệt về điều kiện kinh tế – xã hội.
Sự khác biệt về điều kiện kinh tế – xã hội sẽ tạo ra những cơ hội phát triển khác nhau. Những vùng nào có điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội yếu kém thường ít có cơ hội phát triển hơn. Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung vẫn là vùng có điểm xuất phát thấp, kinh tế chậm phát triển nên việc huy động nội lực để phát triển kinh tế – xã hội rất khó khăn. Đồng thời, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của những vùng này vẫn còn yếu kém so với các vùng khác. Trong khi đó, 2 vùng phát triển nhất là vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng lại có một hệ thống đô thị và các cơ sở kinh tế tương đối mạnh, là địa bàn tập trung nhiều ngành công nghiệp và có cơ cấu công nghiệp phát triển hơn. Các ngành dịch vụ phát triển với nhịp độ ngày càng tăng và thu hút nhiều lao động, các ngành dịch vụ quan trọng như vận tải, viễn thông, tài chính ngân hàng, thương mại đều đạt tốc độ tăng trưởng cao. Mô hình kinh doanh các loại hình dịch vụ ngày càng được đổi mới theo hướng hiện đại, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao.
Về sự ảnh hưởng của đô thị hóa.
Hiện nay, khu vực đô thị đã và đang trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế, xã hội của các vùng và cả nước, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước (MOC, 2021), chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ dân số thành thị các vùng ngày càng tăng lên qua thời gian. Tuy nhiên, nguồn lao động có xu hướng di cư tới những vùng đô thị có tiềm năng kinh tế – xã hội phát triển nhằm tìm kiếm việc làm và môi trường sinh sống tốt hơn. Đồng thời các nguồn đầu tư cũng sẽ tập trung nhiều tại các vùng, các đô thị lớn – nơi có cơ sở hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực dồi dào và có tiềm năng phát triển. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 đô thị trọng điểm cả về kinh tế, chính trị và xã hội của vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, nên số lượng người di cư đến 2 đô thị này tăng không ngừng qua mỗi năm và ngày càng thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế; như vậy, cơ hội làm việc kinh tế ở 2 vùng này ngày một nhiều, thu nhập người dân cũng tăng cao. Trong khi đó, tại các vùng lân cận như Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ đô thị hóa ngày càng chậm, nguồn lực lao động xuất cư sang vùng Đông Nam Bộ ngày một nhiều đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tại vùng này do thiếu nguồn lao động, không thu hút được nguồn vốn đầu tư, phải đối mặt với già hóa dân số và tăng hỗ trợ an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người già…
