Bài viết dưới đây đưa ra nhận định giá thép thế giới và trong nước năm 2023 trong bối cảnh lạm phát leo thang, phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc và xung đột tại Ukraine khiến thị trường thép thế giới chao đảo
Thị trường thế giới
Cầu giảm khiến giá thép giảm
Kể từ tháng 3/2022, thị trường thép toàn cầu đã suy yếu. Tại Mỹ, kể từ tháng 5/2022, giá thép vẫn thấp hơn so với dự kiến, với nhiều nhà dự báo điều chỉnh theo xu hướng giảm. Thị trường toàn cầu suy yếu là do lạm phát leo thang, Trung Quốc phong tỏa một số vùng do Covid-19, xung đột Nga- Ukraine… Tất cả đều làm gia tăng sự không chắc chắn về nhu cầu thép trong năm 2022 và 2023.
Ở Mỹ, giá thép cán nóng (HRC) từ ngày 13/12/2022 được giao dịch ở mức 665USD/tấn, giảm 53,66% kể từ đầu năm và giảm hơn 17% trong ba tháng gần đây. Tuy nhiên, tâm lý thị trường bắt đầu ấm lên khi chính sách Zero Covid của Trung Quốc gần đây nới lỏng, làm tăng hy vọng cải thiện nhu cầu tiêu dùng. Tuần đầu tháng 12/2022, Bắc Kinh đã cho phép cách ly tại nhà đối với các trường hợp Covid-19 nhẹ, trong khi người dân không còn phải xuất trình bằng chứng xét nghiệm âm tính trước khi vào hầu hết các địa điểm công cộng.
Cũng ở Trung Quốc, gói hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản có tác động lớn nhất đến tâm lý, khi khoảng 17 nhà phát triển bất động sản đã công bố kế hoạch tài trợ kể từ khi chính phủ chấm dứt lệnh cấm gây quỹ, với 13 công ty dự kiến sẽ nhận được tổng cộng 90 tỷ NDT (13 tỷ USD). Tâm lý tan băng, nhưng tương lai vẫn không chắc chắn, vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác đã tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt để làm dịu lạm phát trong suốt cả năm qua. Lãi suất cao được cho là sẽ gây ra nhiều vấn đề trong tương lai, vì chúng có khả năng làm giảm nhu cầu từ những người tiêu dùng thép chính như ngành ô tô và xây dựng.
Bất ổn địa chính trị dẫn đến thị trường thép “rung lắc”
Vào năm 2021, xu hướng giá thép HRC của Mỹ tăng mạnh trong suốt cả năm. Tuy nhiên, giá thép HRC của Mỹ biến động kể từ đầu năm 2022 theo xu hướng hầu hết là theo quỹ đạo đi xuống.
Trong báo cáo Tầm nhìn ngắn hạn (SRO) cho năm 2022 và 2023, Hiệp hội Thép Thế giới (WSA), cho biết: “Tác động lan tỏa toàn cầu từ cuộc chiến ở Ukraine, cùng với mức tăng trưởng thấp ở Trung Quốc, cho thấy kỳ vọng tăng trưởng về nhu cầu thép toàn cầu sẽ suy yếu vào năm 2022. Ngoài chính sách Zero Covid của Trung Quốc, việc thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến của Mỹ cũng tác động mạnh đến các nền kinh tế mới nổi, dễ bị tổn thương về tài chính”.
“Kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, nhiều loại vật liệu xây dựng tăng giá. Tuy nhiên, mức giá này đã ổn định hoặc thậm chí giảm một chút trong vài tháng qua. Đặc biệt, giá thép đã giảm một chút do kỳ vọng nhu cầu thép thấp hơn khi dự báo phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia bị hạ thấp”, chuyên gia Maurice van Sante ở ngân hàng và dịch vụ tài chính đa quốc gia Hà Lan ING nhận định.
Nhu cầu thép của Trung Quốc suy yếu do chính sách Zero Covid
Theo WSA, Trung Quốc vừa là nhà sản xuất vừa là khách hàng tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng và nhu cầu thép thành phẩm toàn cầu, Trung Quốc đã sản xuất 1.032,8 tỷ tấn thép thô vào năm 2021, tương đương 52,9% sản lượng toàn cầu. Nước này đã tiêu thụ 666,5 triệu tấn thép thành phẩm, tương đương 51,9% lượng thép sử dụng toàn cầu vào năm 2020.
Thực hiện chính sách Zero Covid, Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải vào đầu tháng 4/2022. Thượng Hải là trung tâm tài chính quan trọng của Trung Quốc và là một trong những cảng lớn của quốc gia này. Các hạn chế đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động xuất, nhập khẩu của Trung Quốc, nên ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong quý II/2022. Khi dịch bệnh lan rộng khắp các khu vực khác của đất nước, các nhà chức trách đã phản ứng tương ứng, áp đặt các hạn chế phù hợp với triển vọng không có Covid-19.
Sản lượng thép của Trung Quốc thấp hơn trước khi phong tỏa, do chính phủ ra lệnh cắt giảm sản lượng vào đầu năm, trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông. Theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc, sản lượng thép thô tích lũy trong 5 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 435 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài Trung Quốc, tại Hàn Quốc, số liệu ước tính trong khoảng thời gian từ tháng 7-9/2022 sản lượng thép đã giảm so với quý trước, do thiệt hại liên quan đến thời tiết đối với các nhà máy sản xuất thép của POSCO.
Ngoài ra, sản xuất thép của Indonesia ước tính giảm trong quý III/2022 so với quý trước, do tình trạng thiếu gang niken – nguyên liệu chính để sản xuất thép không gỉ ở các quốc gia này.
Dữ liệu của WSA cho thấy, sản lượng thép từ Nga, các quốc gia CIS và Ukraine đã giảm 23,7% trong tháng 10/2022 so với cùng tháng năm trước xuống 6,7 triệu tấn và giảm 19% trong giai đoạn từ tháng 1-10/2022 xuống 72,6 triệu tấn. Sản lượng thép từ EU đã giảm 17,5% trong tháng 10/2022 so với cùng kỳ năm ngoái và 9,2% trong suốt từ tháng 1-10/2022.
Dự báo giá thép trong tương lai gần
Fitch Ratings kỳ vọng giá thép sẽ tăng trong năm 2023. Trong khi đó, WSA dự báo nhu cầu thép ở Trung Quốc có khả năng tăng trong năm 2023 khi chính phủ Trung Quốc cố gắng thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và ổn định thị trường bất động sản.
“Các biện pháp kích thích được đưa ra vào năm 2022 có khả năng hỗ trợ nhu cầu thép tăng trưởng tích cực ở mức nhỏ trong năm 2023. Có tiềm năng tăng giá từ các biện pháp kích thích đáng kể hơn. Điều này có thể xảy ra nếu nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức hơn từ môi trường bên ngoài đang xấu đi,” WSA cho hay.
Năm 2023, nhu cầu thép toàn cầu được dự báo tăng 2,2% lên 1,88 tỷ tấn, nhưng theo WSA các dự đoán có thể không chắc chắn.
Dự báo giá thép cuộn cán nóng ở châu Âu và Mỹ có khả năng duy trì quanh mức 800 USD/tấn trong năm 2023.
Trang web dự báo rằng, giá thép có thể tăng từ mức giá hiện tại là 751 USD/tấn lên 1.068,15 USD/tấn vào cuối năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm tới. Dự báo giá thép của WalletInvestor cho năm 2025, giá tăng tới 1537,1 USD/tấn vào cuối năm. Do tính không chắc chắn và biến động ngày càng cao trên thị trường, nên các nhà phân tích có xu hướng hạn chế đưa ra dự báo giá thép dài hạn cho tới năm 2030
THị trường thép Việt Nam
Tồn kho nhiều, nhu cầu hạ nhiệt
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thô cả năm 2022 ước đạt 23 triệu tấn, tương đương so với năm trước. Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 31 triệu tấn, giảm khoảng 5% và bán hàng thép thành phẩm khoảng 27,5 triệu tấn với mức giảm tương đương.
Xuất khẩu sản phẩm thép các loại năm 2022 cũng giảm khoảng 15-16% so với năm 2021 và thị trường chủ yếu vẫn là khu vực Đông Nam Á chiếm hơn 42%.
Theo VSA, những tháng cuối năm 2022, nhu cầu sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải loay hoay giải quyết vấn đề hàng tồn kho giá cao, thậm chí dừng sản xuất.
Đơn cử, “ông lớn” Hòa Phát dừng hoạt động 4 trong 7 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Dung Quất và 2 lò cao ở Hải Dương từ tháng 11/2022.
Với thực tế trên, VSA dự báo, thị trường sắt thép năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn khi thị trường bất động sản gần như đóng băng vì các vấn đề lãi suất vay đã bị đẩy lên rất cao.
Triển vọng trong tương lai của ngành phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công trong những năm tới khi đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp ngành thép.
Khó xảy ra những cú tăng giá shock
Ngày 6/1, thị trường thép trong nước ghi nhận mức tăng đầu tiên trong năm 2023. Sau lần điều chỉnh này, giá thép trong nước đang ở ngưỡng 14-15,5 triệu đồng/tấn. Giảm 5-6 triệu đồng/tấn so với mức giá đỉnh thời điểm đầu năm 2022.
Giá thép đang ở ngưỡng sụt giảm mạnh, trong bối cảnh nhu cầu suy giảm, bởi vậy, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp thép sẽ bị mắc kẹt với đống hàng tồn kho giá cao và có thể sẽ phải bán với giá chiết khấu.
Do vậy, trong khoảng đầu năm 2023, các doanh nghiệp ngành thép sẽ tiếp tục sản xuất cầm chừng và chờ đợi tín hiệu tích cực từ nhu cầu thị trường.
Thị trường sẽ phục hồi
Trong năm 2023, VSA cũng dự báo, giá nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất thép như quặng sắt đã lấy lại đà phục hồi đáng kể sau khi chạm đáy vào cuối tháng 10/2022.
Ðến nay, giá quặng sắt đã tăng 36%, chủ yếu do kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với bức tranh nhu cầu đang tăng trở lại trên thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới là Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang thực thi mạnh mẽ nhiều chính sách giải cứu thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân giúp ngành thép có thêm động lực tăng trưởng, nhất là sau khi nước này dỡ bỏ chính sách “Zero Covid” và mở cửa trở lại.
Dự báo mới đây của Hiệp hội thép Thế giới cũng nhận định, nhu cầu thép thế giới sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2023, ở mức +1% (đạt 1,8 tỷ tấn), sau khi suy giảm 2,3% trong năm 2022 (đạt 1,79 tỷ tấn) và đà phục hồi giá thép trở nên rõ rệt hơn kể từ đầu tháng 12/2022 đến nay.
Hiện giá bán bình quân thép xây dựng của Việt Nam tính từ đầu tháng 12 cho tới nay tăng từ 0,4-1% so với tháng 11/2022, vẫn thấp hơn nhiều so mức tăng của các nước trên thị trường thế giới (từ 2,9 đến 4,7%) tùy theo khu vực.
Do đó, dư địa tăng giá bán và nâng cao năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam còn nhiều.
Theo các chuyên gia ngành thép, đây có thể sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động thương mại quốc tế của ngành thép trong nước trong việc tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng, mở lối đi rộng hơn cho hoạt động xuất khẩu.
Từ đó, có thể giúp Việt Nam có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mở rộng thị phần quốc tế, cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Cùng với đó, khi nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công (dự kiến có khoảng 793 nghìn tỷ đồng) trong năm 2023 tăng lên cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm, giúp ngành thép tạo thêm đà tăng trưởng.