Thị trường bất động sản 2023 theo dự đoán sẽ tiếp tục tăng nóng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, về dài hạn thì thị trường sẽ hạ nhiệt khi nguồn vốn đầu tư bị co hẹp.
Giá nhà đất không ngừng gia tăng giai đoạn đầu năm 2022
Báo cáo quý I/2022 của Bộ Xây dựng chỉ ra giá bất động sản trong quý I/2022 của toàn thị trường đều có xu hướng gia tăng. Số liệu thu thập từ biến động giá bán một số loại hình BĐS trong tháng 3 và quý I/2022 ở 8 địa bàn bao gồm: Hải Phòng, Bình Dương, Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 3/2022, giá của một số loại hình BĐS đã tăng cao. Điển hình như phân khúc căn hộ chung cư của Hà Nội tăng giá 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng giá 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%.
Trước đó, Batdongsan.com.vn và DKRA cũng công bố báo cáo thị trường quý I/2022 chỉ ra xu hướng giá nhà tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Trong đó, Hà Nội có giá căn hộ bán và cho thuê tăng trung bình 5-8% theo quý. Trên thị trường thứ cấp, giá bán căn hộ so với cùng kỳ 2021 tăng 9 -12%.
Phân khúc đất thổ cư, đất nền tại Hà Nội có biến động giá, so với cùng kỳ tăng trung bình từ 20-25%. Nhiều khu vực phía Tây Hà Nội như huyện Chương Mỹ xuất hiện tình trạng tăng giá nóng, tăng gần 35-74%.
Còn ở TP HCM, mặt bằng giá bán căn hộ so với quý trước tăng 3-4% và so với cùng kỳ tăng gần 10%, giá thuê cũng tăng từ 4-7%. Phân khúc đất thổ cư, đất nền rao bán tại TP HCM tăng giá từ 10 -25%. Với các địa phương thuộc khu vực Đông – Tây Nam Bộ như Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, ghi nhận giá đất thổ cư so với cùng kỳ năm 2021 tăng từ 7-27%.
Trước những dấu hiệu nêu trên, nhiều đơn vị và chuyên gia BĐS nhận định giá thị trường bất động sản 2023 có thể sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho rằng mức giá nguyên vật liệu đầu vào xây dựng như thép, đá, cát, vận tải tăng… Cùng với áp lực khan hiếm nguồn cung sản phẩm mới sẽ khiến giá thị trường bất động sản 2023 tăng hơn trong thời gian tới đây. Nhà đầu tư cần hết sức cân nhắc và tìm hiểu kĩ lưỡng khi xuống tiền.
Dự báo thị trường bất động sản 2023
Nguồn cung mới của phân khúc căn hộ so với cùng kỳ năm 2021 ghi nhận tăng 78%. Trong khi đó, nguồn cung mới của phân khúc shophouse/nhà phố nghỉ dưỡng và biệt thự nghỉ dưỡng lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái tăng lần lượt 170% và 25%.
Sức cầu hạn chế của thị trường bất động sản 2023
Nguồn cung mới tuy tăng nhưng không được phân bổ đồng đều. Hầu như chỉ tập trung ở những giai đoạn kế tiếp của một vài dự án quy mô lớn. Trước áp lực từ việc chi phí đầu vào leo thang, mặt bằng giá bán sơ cấp được đẩy lên cao trong khi giá cũng như thanh khoản thứ cấp không có nhiều biến động.
Đòn bẩy vay ngân hàng và trái phiếu vốn là hai kênh huy động cấp vốn chính cho các CĐT cũng như dự án bất động sản. Trong giai đoạn khi hai kênh này bị siết chặt lại, một số diễn biến thị trường bất động sản 2023 được dự đoán như sau:
Nguồn cung mới đưa ra thị trường suy giảm bởi tác động gián tiếp
Người mua bị hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay ảnh hưởng cầu thị trường
Giá bán bị đẩy lên cao do CĐT phải chi trả nhiều để tiếp cận nhiều nguồn vốn vay
Thiếu tính đa dạng sản phẩm bởi hầu hết các dự án hiện nay đều được định vị phân khúc cao cấp và bán ở mức giá cao.
Cảnh báo rủi ro thị trường bất động sản 2023
Dự báo một số rủi ro có thể xảy đến cho thị trường bất động sản 2023 như :
Thứ nhất, nhà nước tiếp tục duy trì động thái siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản.
Thứ hai, nguồn nhiên vật liệu, chi phí xây dựng tiếp tục leo thang.
Thứ ba, nền kinh tế toàn cầu bao gồm thị trường bất động sản 2023 bị ảnh hưởng bởi một số bất ổn chính trị trên thế giới.
Thứ tư, lạm phát tăng cao trên toàn cầu và khó đoán định tại Việt Nam.
Thứ năm, giá bán sơ cấp liên tục tăng, vượt khỏi khả năng của phần lớn người mua có nhu cầu thực.
Theo một số thống kê, giá bán BĐS ở một số khu vực và phân khúc nhất định hiện đang cao gấp 20 – 25 lần khả năng chi trả của người dân và con số này được dự đoán vẫn còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Dưới góc độ doanh nghiệp, các chủ đầu tư có thể sẽ phải đối mặt không ít khó khăn liên quan đến việc huy động nguồn lực, thu xếp nguồn vốn để phát triển dự án. Từ đó, bỏ lỡ những cơ hội thị trường nhất định, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, hoặc thậm chí buộc họ phải tiếp cận những kênh huy động khác trên thị trường vốn với mức chi phí cao hơn, rủi ro “bào mòn” lợi nhuận doanh nghiệp.
Trước những khó khăn kể trên, doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị những động thái ứng biến linh hoạt, các phương án phòng ngừa để thích ứng với điều kiện thị trường thời điểm hiện tại, có thể kể đến như: Đa dạng các kênh huy động vốn, đặc biệt là từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…) với mức lãi suất hợp lý.
Chung tay với các chủ đầu tư khác, chuẩn bị các phương án M&A để hợp tác phát triển dự án. Tập trung nguồn lực cho những dự án đã có giấy phép đầy đủ, pháp lý hoàn thiện, tránh việc đầu tư dàn trải, kéo dài tiến độ triển khai.
Điểm sáng dự báo cho thị trường bất động sản 2023
Bất chấp khó khăn, thị trường bất động sản 2023 vẫn có điểm sáng. Suốt giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến nặng, hầu hết các phân khúc đều rơi vào khủng hoảng, thì BĐS khu công nghiệp lại xuất hiện như một phao cứu sinh cho toàn thị trường, với mức tăng trưởng khá cao từ 15 – 18% nhờ vào sự ổn định về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (theo số liệu của Hiệp hội BĐS Việt Nam).
Đến quý I/2022, tín hiệu tích cực từ thu hút đầu tư FDI lại tiếp tục lan tỏa khi cả nước thu hút thêm trên 8,9 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2021 bằng 87,9%. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện 3 tháng đầu năm ước tính tăng 7,8% khi đạt 4,42 tỷ USD, đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.
Trong khi đó, vốn FDI chảy vào BĐS tăng 213%, số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới cũng tăng 47%. Đây không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho phân khúc BĐS khu công nghiệp mà cũng kéo theo sự tăng trưởng của các phân khu khác khi các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài quay lại Việt Nam sau đại dịch.
Chưa dừng lại ở đó, thị trường bất động sản tiếp tục được hưởng lợi từ gói kinh tế, tài chính gần 350.000 tỷ đồng, chủ yếu là đầu tư công vào tất cả các ngành nghề nhằm hỗ trợ, phục hồi phát triển KT-XH giai đoạn 2 năm 2022 – 2023.
Đi kèm theo là nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ được ban hành để giảm tải áp lực, khó khăn cho doanh nghiệp, như phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 – 1% trong 2 năm 2022 – 2023; giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) còn 8% đối với nhiều nhóm ngành nghề; giai đoạn 2022 – 2023 cho phép tăng bội chi ngân sách Nhà nước bình quân 1 – 1,2% GDP/năm (tối đa 240.000 tỷ đồng)…
Những kịch bản xấu nào có thể xảy ra
Thị trường bất động sản năm 2023 có những dự báo về những gam màu xám, khi các nhà đầu tư đang bị lạm phát, lãi suất tăng cao nên ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch sở hữu nhà. Người có nhu cầu ở thực thì gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Ông Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Nếu năm 2023 kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Thị trường bất động sản sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và tất toán, thị trường bất động sản bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại thị trường. Điều này khó xảy ra nhưng không phải không thể xảy ra”.
Thị trường bất động sản bắt đầu suy giảm từ quý 2 của 2022. Trong đó, mức độ quan tâm và lượng giao dịch bất động sản có xu hướng giảm do tác động của những thông tin không tích cực như chủ đầu tư lớn bỏ cọc lô đất tại Thủ Thiêm; tăng lãi suất sau hơn 3 năm khiến thị trường bất động sản đi xuống…
Nếu năm 2023, ngân hàng duy trì lãi suất cao hoặc tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp bất động sản sẽ chịu nhiều khó khăn nhất. Doanh nghiệp bất động sản khi hoạt động cũng chủ yếu trên nguồn vốn đi vay ngân hàng, người mua nhà cũng phải vay tiền, nên sẽ chịu tác động kép.
Việc tăng lãi suất cũng làm giá bán bất động sản tăng, trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay thị trường bất động sản giảm tính thanh khoản và trầm lắng kéo dài.
Ngoài những khó khăn về tín dụng, chênh lệch cung – cầu trên thị trường bất động sản đang là vấn đề của thị trường bất động sản. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, giá bất động sản hiện nay đã tăng mạnh thời điểm này đã tăng 30% so với năm 2021 và 50% so với 2019, có phân khúc tăng đến 100%.
“Thị trường Bất động sản đang thiếu cung, cơ cấu sản phẩm lại không cân đối, dự án nhà chung cư rất ít, nhà thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội gần như không có trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn, điều đó khiến giá bất động sản tăng. Các dự án nhà ở xã hội cần được tháo gỡ về mặt thủ tục, tăng nguồn cung để giảm giá nhà” – ông Nguyễn Văn Đính Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản nói.
Bên cạnh nguồn cung căn hộ giá rẻ, nguồn cung ở các phân khúc nhất là căn hộ chung cư suy giảm đáng kể trong những năm qua do những vướng mắc pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện thị trường bất động sản có rất nhiều dự án đầu tư chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm. Cơ cấu sản phẩm bất động sản đang ở tình trạng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường khi dư thừa nhà ở thương mại cao cấp, ít nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân.
“Chính phủ đã thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các bộ, ngành nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương rà soát dự án đang triển khai đủ điều kiện pháp lý, có khó khăn sẽ đôn đốc; các dự án còn vướng pháp lý thì làm rõ nội dung vướng mắc để tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại. Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án vướng các thủ tục pháp lý, khi được tháo gỡ khó khăn, sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường” – ông Nguyễn Văn Sinh nói.
Không gỡ được vấn đề pháp lý, nguồn cung tiếp tục hạn hẹp, thị trường bất động sản trong năm 2023 giá căn hộ có thể tăng nhưng tính thanh khoản lại giảm. Thị trường bất động sản rơi vào khó khăn.