Những ngày gần đây, những tính năng ấn tượng của ChatGPT – ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhận được sự quan tâm của toàn cầu. Vậy liệu AI sẽ làm thay đổi thế giới của chúng ta như thế nào?
Vấ đề việc làm và nguồn lao động
AI có thể làm được mọi việc không?
Không nhiều người bày tỏ quan điểm lo ngại về Trí tuệ nhân tạo (AI) một cách mạnh mẽ như Elon Musk. Điều này gây ngạc nhiên, không chỉ bởi ông là một CEO công nghệ lừng danh, mà còn vì tỷ phú này chính là một trong những nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực này. Musk từng là một thành viên sáng lập của OpenAI – tổ chức đứng sau ChatGPT, và hãng Tesla của ông cũng đang phát triển nhiều tính năng AI như robot và hệ thống tự lái.
Khi nói về AI của chính mình, vị tỷ phú đưa ra những ý kiến cho thấy ông đánh giá rất cao sức mạnh và tiềm năng phát triển của AI, nhưng cũng đồng thời cũng tin rằng AI sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người sống và làm việc: “Chúng sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, không có đói nghèo, con người có thể làm những việc theo sở thích của mình. Nói cách khác, AI khiến mọi công việc đều trở nên vô nghĩa và thừa thãi”.
Những ý kiến dự báo còn trở nên mạnh mẽ hơn, kể từ khi xuất hiện những chatbot có tính năng cao, thực hiện được nhiều yêu cầu phức tạp. Như với ChatGPT, ứng dụng này đang được mệnh danh là “siêu chatbot”, trả lời hàng loạt câu hỏi khác nhau từ người dùng, như lập kế hoạch tập thể dục, làm thơ, sáng tác nhạc rap, hay thậm chí viết bài luận. Công cụ này thậm chí đã vượt qua được một số bài kiểm tra tại trường đại học về nhiều lĩnh vực như luật và quản trị kinh doanh, nhờ khả năng tổng hợp thông tin và biên tập các văn bản mượt mà giống như người viết.
Richard DeVere, chuyên gia về công nghệ tại hãng nghiên cứu Ultima đánh giá: “Tôi tin rằng các công cụ như ChatGPT có thể thay thế khoảng 20% lực lượng lao động hiện nay. Robot không hẳn sẽ thay thế công việc của bạn, nhưng một người được sự hỗ trợ của robot thì có thể”. Một số chuyên gia khác thậm chí đưa ra con số từ 50-70% công việc sẽ bị thay thế bởi AI trong tương lai.
Trên thực tế, cũng đã có một số doanh nghiệp và tổ chức sử dụng các công cụ AI cho các hoạt động của mình. Cũng như ChatGPT, một chatbot có tiếng khác là Jounce AI hiện đang nổi lên như một công cụ hiệu quả cho việc sáng tạo ý tưởng quảng cáo. Ngay cả giới lãnh đạo doanh nghiệp, như Jeff Maggioncalda – CEO hãng cung cấp khoa học trực tuyến nổi tiếng Coursera cũng cho biết ông đang sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ về tư duy.
Mới đây nhất là việc trang tin Buzzfeed tuyên bố sẽ ứng dụng các tính năng AI được cung cấp bởi OpenAI – nhà phát triển của ChatGPT trong hoạt động biên tập và sản xuất nội dung. Đáng nói là bước đi này được đưa ra trong bối cảnh, công ty truyền thông này vừa sa thải gần 180 nhân viên, chiếm khoảng 12% đội ngũ nhân sự hồi cuối năm ngoái.
Chuyên gia Aljoscha Burchardt từ Trung tâm nghiên cứu AI của Đức bình luận: “Chúng ta đã làm việc với AI rất nhiều, mà không nhận ra là đó là AI. Chẳng hạn như các công cụ dịch, tìm kiếm thông tin hay định hướng đường đi – rất nhiều tính năng nhỏ mà ta thường không để ý. ChatGPT có thể thay đổi bức tranh hiện nay”
Triển vọng thực tế của việc AI thay thế việc làm
Dù không thể phủ nhận những tiềm năng của AI, vẫn có nhiều chuyên gia tin rằng các hệ thống này sẽ khó có thể đe dọa đến việc làm của con người, ít nhất ở tương lai gần
Ông Geri Cupi, CEO của Twig – một startup về fintech tại Anh đang tích hợp ChatGPT vào các tính năng tương tác cho người dùng, bình luận rằng: “Tôi tin rằng những tiến bộ gần đây của AI sẽ có tác động tích cực đến tương lai của việc làm. AI sẽ hỗ trợ để nâng cao các điều kiện sống của con người nói chung, và giải phóng lực lượng lao động khỏi những công việc mang tính lặp đi lặp lại và tiêu tốn thời gian”.
Các chuyên gia cũng nhận định những người ít chịu ảnh hưởng nhất từ làn sóng AI sẽ là lao động chuyên môn cao, như người làm các công việc có óc sáng tạo, bác sĩ, luật sư hay nhà nghiên cứu khoa học. Chuyên gia công nghệ Richard DeVere bình luận: “Người làm trong những lĩnh vực sáng tạo không có gì để phải lo lắng, ngược lại họ có thể tận dụng sự phát triển của AI để củng cố và chuyên biệt hóa các kỹ năng nghề nghiệp của mình”.
Nhà nghiên cứu Đức Aljoscha Burchardt cũng chia sẻ quan điểm này: “Chẳng hạn các bác sĩ hay y tá có thể tiêu tốn tới 60% thời gian làm việc cho các công việc giấy tờ. Nếu những việc này được chuyển cho máy móc thì họ sẽ có thể chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân”.
Dù vậy, nói như ông Burchardt, con người vẫn cần nhìn nhận về vấn đề này, theo hướng những công việc nào nên được chuyển giao cho AI. Mới đây, kênh CBS đã đưa ra một danh sách những công việc dễ bị thay thế nhất, trong đó bao gồm soạn thảo các giấy tờ văn bản phổ thông, thăm dò thị trường và làm nội dung quảng cáo, hay viết mã lập trình các tính năng đơn giản.
Ngay cả một số công việc có tính phức tạp hơn, như giảng viên, phóng viên hay phân tích tài chính, cũng có thể trở nên gặp thách thức, khi các mô hình AI ngôn ngữ như ChatGPT được hoàn thiện, cung cấp các dữ liệu chính xác và đầy đủ hơn.
Nhìn chung, các chuyên gia tin rằng đây sẽ là một quá trình lâu dài, và con người vẫn có đủ thời gian để thích ứng. Ông DeVere bình luận: “Con người sẽ không mất việc chỉ sau một đêm. Nhưng làn sóng đầu tiên sẽ rơi vào những người có ít chuyên môn nhất, và những công việc đang được hỗ trợ thường xuyên bằng nhiều tính năng AI”.
AI sẽ thay đổi nhiều ngành nghề trên thế giới cũng như Việt Nam
“Trước mắt, sẽ có một số ngành nghề truyền thống như Chăm sóc khách hàng, sáng tạo nội dung (content creator)… sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mức độ không lớn trong tương lai gần”, ông Đào Ngọc Thắng, một chuyên gia trong lĩnh vực số dành cho ngân hàng nêu quan điểm.
Vì sao ChatGPT lại có sức hút lớn với người dùng Việt Nam?
Là một chuyên gia có 12 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cho các công ty công nghệ tài chính, ông Đào Ngọc Thắng phân tích: ChatGPT về bản chất là AI học máy, tức là học theo dạng neutral network và deep learning để đoán biết nội dung người hỏi và tìm kiếm câu trả lời.
“Mô hình này về thực chất đã được nhiều ông lớn công nghệ triển khai, điển hình như Google. Kết quả Google trả về khác nhau về độ tuổi, quốc gia cũng như thói quen sử dụng của người tìm kiếm. Các chatbot trước đây xây dựng một mạng tế bào đủ rộng để tìm kiếm theo phương thức cây nhị phân nhằm trả về kết quả tra cứu. Điểm nổi bật của ChatGPT là mở rộng theo hướng xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing). Đây là một nhánh nghiên cứu của trí tuệ nhân tạo, trong đó phát triển các thuật toán, xây dựng các chương trình máy tính có khả năng phân tích, xử lý, và hiểu ngôn ngữ của con người”, chuyên gia về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo lý giải.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, ChatGPT có khả năng vượt trội trong việc bóc tách ngôn ngữ tự nhiên, đặc biệt là ở khả năng bắt keywords trong các đoạn trao đổi với người dùng.
“Trước đây, đã có rất nhiều doanh nghiệp sử dụng chatbot làm cơ sở để giao tiếp với khách hàng nhưng việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NPL) luôn là một bài toán khó. ChatGPT đã giải quyết vấn đề này khi xử lý ngôn ngữ Tiếng Việt khá tốt dựa trên bộ dữ liệu đồ sộ để dạy cho máy học liên tục”, ông Thắng tiếp tục.
Ông Thắng cho biết: Để làm được điều này, cần dữ liệu mẫu (sample data) là hàng trăm triệu đoạn chat của người Việt Nam.
Thực tế, đây cũng là điểm gây bất ngờ cho hầu hết người đã trải nghiệm chatbot của OpenAI. ChatGPT giao tiếp và hiểu tiếng Việt như… một người Việt Nam thực thụ. Đoạn giao tiếp dưới đây là một thí dụ điển hình.
Trong thí dụ này, một nhà sáng tạo nội dung đã “thử dạy” ChatGPT về ý nghĩa từ vựng tiếng Việt. Kết quả, ChatGPT có thể giải thích từ vựng và hiểu cả nghĩa bóng, cũng như học cả văn hóa biểu đạt từ vựng.
“ChatGPT có thể hiểu được nghĩa bóng của từ đối tượng trong các bối cảnh khác nhau. Tôi dự đoán ChatGPT có thể dần vượt qua được cả từ điển tiếng Việt vì chatbot này có thể giải thích từ ngữ như một nhà nhân chủng học và là một tổ chức sống, học hỏi liên tục”, nhà nghiên cứu này nhận xét.
Là người trực tiếp tạo ra các chatbot cho lĩnh vực chăm sóc khách hàng, ông Thắng bày tỏ sự khâm phục với đội ngũ nghiên cứu đã tạo ra ChatGPT.
“Trong khi chúng tôi vẫn đang đau đầu để chatbot có thể hiểu được những từ viết tắt như Công ty TNHH, công ty MTV (một thành viên-PV) thì ChatGPT đã bước đầu giải quyết vấn đề này một cách khá tốt, trong khi cấu trúc ngôn ngữ Việt Nam vốn vô cùng phức tạp”, vị chuyên gia đưa ra quan điểm.
Trong khi đó, ông Bùi Công Duyến, Giám đốc Sản phẩm Giải pháp Tòa soạn hội tụ ONECMS, Công ty Cổ phần Công nghệ NEKO cho rằng: Sở dĩ ChatGPT có khả năng “làm mưa, làm gió” như hiện nay là do chatbot này có khả năng trả lời được nhiều loại câu hỏi, kể cả những yêu cầu như làm thơ về một đề tài chỉ định, dù cho từ vựng, cách đặt câu còn khá ngô nghê.
ChatGPT có đe dọa nhiều ngành, nghề?
Năm 2016, phần mềm AlphaGo đã đánh bại đại kiện tướng cờ vây hàng đầu thế giới người Hàn Quốc Lee Sedol với một tỷ số hết sức thuyết phục: 4-1.
Năm 2019, AI còn tiến thêm một bước xa hơn nữa khi phần mềm Pluribus được các nhà nghiên cứu ở Mỹ phát triển đã lần đầu đánh bại được những vận động viên poker hàng đầu thế giới trong một trò chơi 6 người (vốn dĩ phức tạp hơn nhiều những trò thi đấu tay đôi như cờ vây hay cờ vua).
Năm 2021, công ty OpenAI tung ra phần mềm Dall-E, lần đầu tiên cho phép con người sáng tạo ra những bức họa từ những dòng lệnh bằng chữ như “Hãy vẽ cho tôi một con mèo lên sao Hỏa theo phong cách tranh Van Gogh”. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, tới lượt ChatGPT ra đời đặt ra câu hỏi về việc con người có cần phải thay đổi tư duy, cách thức làm việc hay không?
Nhìn nhận ảnh hưởng của ChatGPT nói riêng, AI nói chung đối với các ngành, nghề hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng: Đây là tiếng chuông cảnh báo cho “những người đang cảm thấy an toàn và bằng lòng với công việc hiện tại”.
“Thực chất, AI đã ảnh hưởng tới sự vận hành của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) từ rất lâu rồi. Nhiều chuyên gia vốn dựa vào kinh nghiệm đã dần được thay thế bằng Trí tuệ nhân tạo (AI – Aritifical Intelligient), Máy học (ML – Machine learning), Học sâu (DL – Deep Learning); đặc biệt trong việc phân tích quản trị dữ liệu, dự đoán lợi nhuận và đưa ra quyết định sau cùng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, AI sẽ chưa thể thay thế hoàn toàn con người”, ông Thắng đưa ra dẫn chứng.
Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia này, sự xuất hiện của ChatGPT cho thấy: Về lâu dài hơn, khi tập mẫu đủ lớn, AI sẽ dần dần đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong công tác vận hành hệ thống cũng như tiếp cận với người dùng cuối.
“Qua thời gian, AI với quá trình tự học hỏi sẽ hiểu khách hàng hơn, không bị áp đặt cảm xúc khi tiếp xúc, hiệu suất làm việc lớn hơn bất kể ngày đêm. Với điều kiện tập mẫu khách hàng đủ lớn, AI sẽ chứng minh được lợi thế. Trong trường hợp này, một số ngành như telesales, chăm sóc khách hàng sẽ bị đánh bại đầu tiên. AI sẽ làm việc hiệu quả trên diện rộng mà không cần mất công đào tạo từng nhân sự như hiện nay”, ông Thắng dự đoán.
Nhìn nhận trên lĩnh vực xuất bản, truyền thông, ông Bùi Công Duyến lại tỏ ra lạc quan hơn. Dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters về một số xu hướng báo chí, truyền thông và công nghệ trong năm 2023, ông Duyến cho biết: Mặc dù tổng quan AI đã thu hút được nhiều sự chú ý vào nửa cuối năm 2022, nhưng việc sử dụng nó vẫn còn hạn chế tại các hãng tin tức. Theo nghiên cứu, hiện nay các tòa soạn (khoảng 67% theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters) chủ yếu mới sử dụng các công cụ gợi ý dựa trên AI để thu hút thuê bao đăng ký và cá nhân hóa nội dung cho từng độc giả.
“Tôi cho rằng, ChatGPT không thể thay thế được các nhà báo chuyên nghiệp bởi đây chỉ là một mô hình ngôn ngữ được huấn luyện. Có nghĩa là, ChatGPT sẽ chỉ tổng hợp được thông tin từ các dữ liệu có sẵn. Trong khi đó, báo chí thì luôn cần những chủ đề mới, những đề tài mới, góc nhìn mới. Những điều này, chỉ có các phóng viên trong thực tế mới làm được”, ông Duyến đưa ra quan điểm.
Tuy nhiên, ông Duyến cho hay: Các phóng viên, nhà báo nói riêng, người dùng nói chung có thể tận dụng ChatGPT để nâng cao hiệu quả công việc của mình.
“ChatGPT có thể giúp tóm tắt các văn bản, tài liệu dài; tạo câu hỏi và trả lời các câu hỏi, qua đó giúp người dùng tìm kiếm góc nhìn mới, hay ‘thử’ tiến hành nghiên cứu về sự kiện, nhân vật… Ngoài ra, ChatGPT cũng sẽ hỗ trợ dịch bài viết sang các ngôn ngữ khác nhau”, ông Duyến dẫn một nghiên cứu về lợi ích của ChatGPT.
Một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cho rằng: Sẽ luôn có những lĩnh vực mà AI sẽ không thể thay thế con người, đặc biệt là trong những bối cảnh đòi hỏi sự quyết định dựa trên đạo đức.
“Một thí dụ kinh điển là nếu máy bay bốc cháy, AI sẽ khuyên phi công nhảy dù vì tỷ lệ cứu máy bay chỉ xấp xỉ 0%. Nhưng các phi công sẽ lựa chọn cứu máy bay hoặc làm giảm thiệt hại tối đa có thể. AI được con người dạy, còn con người sẽ làm việc và quyết định dựa cả vào cảm xúc.
Cảm xúc và nghệ thuật là thứ cuối cùng AI có thể chạm tới. AI có thể vẽ tranh, làm thơ, sáng tác nhạc nhưng để chạm tới cảm xúc thì AI tới bây giờ vẫn chưa tìm được lối đi”, vị chuyên gia chia sẻ .