Thị trường dầu thô cũng như năng lượng thế giới năm 2023 sẽ chịu tác động của rất nhiều yếu tố
Diễn biến giá dầu thế giới đầu năm 2023
Thị trường năng lượng toàn cầu tuần này sẽ chứng kiến nhiều động thái đáng chú ý. Đầu tiên là cuộc họp về sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+) diễn ra vào ngày 1/2.
Ngày 5/2 là thời điểm Liên minh châu Âu chính thức cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga như dầu diesel, dầu mazut, nhiên liệu bay… Những chuyển động trên bàn cờ năng lượng thế giới này được dự báo sẽ khiến bàn cờ năng lượng năm 2023 đứng trước nhiều ngã rẽ.
Dầu Brent trong phiên giao dịch mới nhất đang giao dịch quanh mức gần 86 USD/thùng, tức đang thấp hơn mức giá của cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu Brent đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra sau ngày 24/2/2022. Hiện các chuyên gia dự báo giá dầu sẽ giao động quanh ngưỡng giá 90 USD/thùng trong thời gian tới.
Dự báo sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ năm 2023
Kể từ tháng 11/2022, OPEC+ đã cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày do lo ngại kinh tế thế giới suy giảm, nhu cầu của Trung Quốc yếu. Song những diễn mới trong dự báo tăng trưởng toàn cầu đang dần cải thiện hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong hôm nay (31/1) có thể sẽ nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu sau khi Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới mở cửa hoàn toàn trở lại.
Vậy trong cuộc họp chính sách về sản lượng diễn ra vào ngày 1/2, OPEC+ có thay đổi quyết định, mở van cung thêm dầu?
Theo các nguồn tin được lan truyền tại Trung Đông, thời điểm này nhiều khả năng OPEC+ sẽ giữ nguyên mức sản lượng mục tiêu trong cuộc họp vào ngày 1/2. Điểm đáng chú ý là OPEC+, mặc dù hồi cuối năm ngoái đã cắt giảm 2 triệu thùng/ngày nhưng trên thực tế sản lượng dầu thời gian qua lại tăng không giảm.
Cụ thể, sản lượng tháng 12 đã tăng được khoảng 91.000 thùng/ngày so với tháng trước, đến từ việc Nigeria đang dần phục hồi sản xuất. Sản lượng dầu thực tế trên thị trường hiện vẫn thấp hơn mức sản lượng mục tiêu, tuy nhiên thị trường dầu đang cho thấy có những tín hiệu hạ nhiệt.
Theo một số nhà quan sát tại Trung Đông, các nước xuất khẩu dầu lớn trong OPEC+, đặc biệt là các nước Vùng Vịnh có vẻ đang cho thấy họ hài lòng với mức giá giao động quanh 80 USD/thùng, thay vì cố hành động để đẩy giá lên tới gần 100 USD/thùng như một số dự báo trước đây.
Việc EU xem xét áp giá trần với chế phẩm từ dầu Nga
Có thể thấy là sản lượng của OPEC+, theo dự báo sẽ khó có thể thay đổi trong ngắn hạn. Thị trường vàng đen vẫn còn nhiều biến số khó lường. Gần nhất sẽ là chuyển động từ phía Liên minh châu Âu (EU) khi lục địa này sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm tinh chế từ dầu của Nga từ ngày 5/2.
Về cơ bản, lệnh cấm này đã được thông qua từ trước và ngày 5/2 là thực hiện. Nhưng để không làm ảnh hưởng tới dòng chảy nhiên liệu thế giới, EU và nhóm G7 đang xem xét áp giá trần với các sản phẩm tinh chế từ dầu Nga.
Theo đề xuất chính thức được Ủy ban châu Âu gửi tới Chính phủ 27 quốc gia thành viên, sẽ có 2 mức giá trần được xem xét áp dụng sau ngày 5/2. Thứ nhất, với nhóm chế phẩm dầu có giá trị cao như dầu diesel, mức trần sẽ là 100 USD/thùng. Thứ hai, nhóm chế phẩm có giá trị thấp như nhiên liệu đốt lò, mức trần sẽ là 45 USD/thùng.
Hiện các bên vẫn chưa đạt thỏa thuận cuối cùng về các mức giá trần này. Năm ngoái, EU là nước nhập khẩu diesel lớn nhất của Nga khi mua tới 220 triệu thùng dầu. Báo chí châu Âu nhận định đang có một “cuộc chạy đua” nhập khẩu dầu diesel từ Nga trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Quý IV/2022, lượng dầu diesel mà EU nhập từ Nga tăng 25%. Còn trong 23 ngày đầu của tháng 1/2023, lượng dầu diesel đạt trung bình 600.000 nghìn thùng/ngày, thậm chí có thời điểm lượng nhập khẩu còn đạt đạt mức 770.000 thùng/ngày, cao nhất gần 2 năm.
Các chuyên gia lo ngại, giá các chế phẩm từ dầu Nga sau ngày 5/2 tới sẽ có những biến động nhất định bởi giá cước vận tải dự báo tăng mạnh. Nhu cầu tàu chở nhiên liệu tinh chế năm nay dự kiến sẽ tăng 7,2% so với quý 4/2022.
Dự báo thị trường năng lượng thế giới năm 2023
Tăng nhập khẩu, làm đầy kho chứa nhiều nhất có thể là điều mà EU đã thực hiện trước lệnh cấm vận. Nhưng việc đa dạng hoá nguồn cung dầu diesel và các chế phẩm từ dầu sẽ là nhiệm vụ cấp bách với EU lúc này.
Nếu như EU từng nhập khẩu tới 55% khí đốt từ Nga nhưng sau khi cấm vận, tính đến cuối năm ngoái mức phụ thuộc đã giảm được 2/3. Còn với dầu diesel, mức phụ thuộc là 30% lượng nhập khẩu từ Moskva thì việc đa dạng hoá hay tìm kiếm bạn hàng mới từ Trung Đông, châu Á hay từ Mỹ là điều cần được tính tới.
Mốc ngày 5/2 có thể xem là mốc thời điểm lệnh cấm vận của EU đối với các hoạt động xuất khẩu dầu của Nga có hiệu lực đầy đủ. Đây cũng được cho sẽ là mốc quan trọng để có được một đánh giá tương đối rõ ràng để các lệnh cấm vận của EU sẽ khiến lượng dầu xuất khẩu Nga sụt giảm bao nhiêu.
Cho tới lúc này, lượng dầu thô của Nga đang cho thấy khả năng chuyển hướng khá tốt sang châu Á. Ấn Độ từ chỗ chỉ nhập 2% tổng dầu xuất khẩu của Nga nay đã vươn lên trở thành khách hàng lớn nhất, hiện mỗi ngày nhập tới trên dưới 1,5 triệu thùng dầu Ural của Nga.
Còn Trung Quốc cũng trên dưới 1 triệu thùng/ngày. Ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nay đã hấp thụ tới 70% lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga.
Sau ngày 5/2 thì đối tượng chịu tác động chủ yếu sẽ là các sản phẩm lọc hóa dầu của Nga, mà đặc biệt là dầu diesel. Xét những diễn biến thời gian qua, Trung Đông đang nghiêng về nhận định sẽ có một đợt tăng giá nhẹ đối với giá dầu diesel và các sản phẩm lọc dầu khác. Nhưng đợt tăng giá này sẽ sớm qua, khi dầu Nga đã cho thấy khả năng chuyển hướng sang các thị trường châu Á.
Một số cập nhập dự báo giá dầu năm 2023 hiện đang cho rằng giá dầu năm nay sẽ không vượt qua mốc 100 USD/thùng, có thể là dao động xung quanh mốc 90 USD/thùng. Như vậy, dự báo giá dầu năm 2023 đã được một số tổ chức hạ xuống so với trước, thường cho rằng giá dầu phải khoảng 105 – 110 USD/thùng trong năm 2023.
Chính sách năng lượng Nga năm 2023
Do hạn chế giá dầu, Nga mất khoảng 172 triệu USD mỗi ngày, tức các công ty Nga sẽ bỏ lỡ gần 63 tỷ USD mỗi năm, theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA).
Từ tháng 2 tình hình có thể sẽ xấu hơn khi các hạn chế đối với dầu Nga được áp dụng với 2 mức giá trần cùng một lúc tuỳ thuộc vào loại nhiên liệu. Một là dành cho các sản phẩm đắt tiền hơn như dầu diesel; hai là dành cho nhiên liệu giá rẻ được giao dịch chiết khấu với dầu thô, dầu mazut.
Các nhà phân tích Nga khẳng định rằng lệnh cấm vận và giá trần đối với các sản phẩm dầu có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế trong nước nhiều hơn là hạn chế nguồn cung dầu thô. Lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến gần 1/4 số công ty trong nước tham gia chế biến các sản phẩm dầu mỏ và tình hình thị trường sẽ buộc các nhà máy lọc dầu của Nga phải cắt giảm 15% sản lượng.
Theo Bộ Tài chính Nga, giá dầu xuất khẩu chính của Nga là Urals trong tháng 1 đã giảm xuống dưới 50 USD/thùng, trong khi ngân sách Nga cho năm 2023 được tính toán dựa trên giá dầu ở mức 70 USD/thùng.
Để đối phó với các biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể tác động mạnh đến nguồn thu ngân sách, Chính phủ Nga đang nỗ lực với chính sách đa dạng hoá khách hàng, dịch chuyển dòng năng lượng sang hướng Đông và không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp bổ sung để hạn chế việc giảm giá dầu Nga ở mức giới hạn trên thị trường.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 12 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Cuộc xung đột đã và đang đặt dấu chấm hết cho mối liên kết năng lượng 70 năm qua giữa Nga và châu Âu. Việc dịch chuyển dòng chảy năng lượng dự báo sẽ còn tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến mới trong năm 2023.
Cập nhật tính hình giá dầu đầu tháng 2/2023
Lực mua rất mạnh trên thị trường hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt trên nhóm năng lượng và công nghiệp, đã kéo chỉ số MXV- Index đảo chiều bật tăng 1,42% lên 2.372 điểm.
Dòng tiền đầu tư cũng đã quay trở lại thị trường. Riêng đối với nhóm năng lượng, giá trị giao dịch tăng hơn 73%, đạt mức hơn 1.100 tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 38%, chốt hôm qua ở mức 3.500 tỷ đồng.
Giá dầu thế giới nối dài đà tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/02, dầu thô đã ghi nhận một phiên tăng mạnh, với dầu WTI tăng 4,09% lên 77,14 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,83% lên 84,09 USD/thùng.
Các nhà cung cấp dầu lớn và báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 2 từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) đều cho thấy góc nhìn tích cực hơn đối với nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc, đã hỗ trợ cho giá.
Bên cạnh đó, các phát biểu mới nhất của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã xoa dịu một phần lo ngại về việc dữ liệu lao động mạnh mẽ có thể thúc đẩy lãi suất tăng mạnh hơn. Đồng Dollar Mỹ hạ nhiệt sau 3 phiên tăng liên tiếp cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu.
Theo EIA, dự báo nhu cầu dầu cho năm 2023 không đổi so với báo cáo trước, đạt mức 100,47 triệu thùng/ngày. Báo cáo cho thấy cơ quan này điều chỉnh giảm nhu cầu trong 2 quý đầu năm 2023, trong khi tăng dự báo nhu cầu cho 2 quý cuối năm, với nhu cầu tại Trung Quốc và các nước không thuộc OECD bù đắp cho sự suy yếu từ các quốc gia khu vực OECD. Trong khi đó, về nguồn cung, tăng trưởng trong sản lượng của các nước ngoài OPEC trong cả năm 2023 và 2024 được dự đoán sẽ bù đắp cho sự sụt giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày trong sản xuất của Nga. Cán cân cung cầu dưới góc nhìn của EIA vẫn thiên về dư cung trong hầu hết giai đoạn dự báo.
Dầu WTI tăng 4,09% lên 77,14 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,83% lên 84,09 USD/thùng.
Yếu tố vĩ mô cũng góp phần thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trong phiên tối, kéo giá dầu lên vùng cao nhất kể từ đầu tháng 2 sau những nhận định của chủ tịch Fed cho biết dữ liệu lao động bất ngờ mạnh mẽ của Mỹ cho thấy tiến trình thắt chặt tiền tệ cần thời gian để phát huy hoàn toàn hiệu quả. Việc nhấn mạnh tới yếu tố “thời gian” cũng giúp xoa dịu một phần lo ngại trước đó của thị trường, kéo đồng USD hạ nhiệt, và hỗ trợ cho giá dầu.
Rạng sáng ngày 7/2, báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/2, trái với mức dự đoán tăng của thị trường. Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng mạnh 5,2 triệu thùng trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng 1,1 triệu thùng, phản ánh nhu cầu vẫn còn yếu, có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/02, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi hai mặt hàng cà phê tiếp tục đà tăng dù có sự rung lắc mạnh ở đầu phiên giao dịch.
Sau khi bật tăng ngay từ mở đầu phiên giao dịch, giá Arabica chứng kiến sự rung lắc mạnh, đóng cửa giá tăng 0,77% trước những diễn biến trái chiều về nguồn cung tại các nước cung ứng chính.
Dù cũng chứng kiến sự giằng co mạnh trong phiên hôm qua, đóng cửa giá Robusta vẫn tăng hơn 2% khi tồn kho tiếp tục suy yếu. Giá bông cũng ghi nhận sự hồi phục sau 2 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 2,83% trước kỳ vọng nhu cầu tích cực hơn tại Trung Quốc.
Tổng hợp